x
THÀNH VIÊN
Facebook login
Google login
x
ĐĂNG KÝ
Facebook login Google login
Hủy
x
Quên mật khẩu
Hủy

Thông Tin

Thăng Trầm 40 Năm Của Cá Tra, Basa Việt

Vào thập niên 80, cá basa mới được một số doanh nhân kinh doanh thủy sản Việt Nam và Úc chú ý.

Từ cuối năm 1980 đến nay, cá tra, basa Việt Nam đã từ ao làng vươn ra thị trường thế giới ...

Cá tra, basa đã được nông dân Đồng bằng sông Cửu Long nuôi từ khá lâu, nhưng suốt thời gian dài, nó chỉ là một loại thực phẩm bán tại các chợ quê. Cuối năm 1980, cá basa được một thương nhân chú ý và giới thiệu với đối tác nước ngoài, từ đó cá tra, basa đã từ ao làng vươn ra thị trường thế giới.

Năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt kỷ lục 2,3 tỷ USD, tăng 26,4% so với năm 2017. Quý 1/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 472,2 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Để có được kết quả này, ngành hàng cá tra đã trải qua bao thăng trầm.

Cuối thập niên 80, cá basa mới được một số doanh nhân kinh doanh thủy sản Việt Nam và Úc chú ý. Doanh nhân người Việt đầu tiên nhận thấy tiềm năng xuất khẩu cá basa là ông Nguyễn Thành Hưng (Mười Hưng), Giám đốc Xí nghiệp đông lạnh xuất khẩu I (nay là Công ty thực phẩm đông lạnh xuất khẩu Sài Gòn) ở Tp.HCM.

Xuất khẩu lô philê cá basa đầu tiên

Năm 1987, với sự hướng dẫn của Công ty Independent Seafood (Úc), Xí nghiệp đông lạnh xuất khẩu I bắt đầu tiến hành chế biến phi lê cá basa, và được được Công ty này đặt mua 2 tấn philê mang về Úc làm mẫu, giới thiệu và được người tiêu dùng Úc nhiệt tình đón nhận.

Nhờ vậy, Công ty Independent Seafood chính thức đặt mua những lô hàng phi lê cá basa tiếp theo và ông Mười Hưng đã ghi tên vào lịch sử ngành hàng này với tư cách là người đầu tiên đưa cá basa ra khỏi biên giới Việt Nam vào thị trường thế giới. Đó là tiền đề quan trọng để cá basa thay đổi thân phận, từ một sản phẩm chỉ quanh quẩn ở các chợ quê trở thành một sản phẩm xuất khẩu ra khắp thế giới như hôm nay.

Không dừng lại ở đó, ông Mười Hưng còn đi tiên phong trong việc tổ chức nuôi cá basa theo hướng hàng hóa lớn nhằm chủ động nguồn nguyên liệu. Năm 1988, ông liên kết với Công ty Mekong (An Giang) và đầu tư 300 lượng vàng để công ty này đóng 10 bè gỗ nuôi cá basa trên sông Hậu và cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng cá. Kể từ đó, nghề nuôi cá basa lồng bè ở Châu Đốc phát triển mạnh và nhanh chóng được nhân rộng ra các tỉnh lân cận, giúp hình thành ngành hàng cá basa, cùng với sự xuất hiện của những nhà máy mới chuyên chế biến xuất khẩu sản phẩm này.

Do cá basa dần khan hiếm con giống nên đầu những năm 1990, những người nuôi cá basa bắt đầu tính tới việc thay thế dần con cá này bằng cá tra. Nguyên nhân là do đầu tư bè cá rất tốn kém và cá basa lại không thể nuôi quá dày trong bè, nên chi phí sản xuất khá cao. Trong khi đó, cá tra tuy màu sắc thịt không trắng sáng như basa, nhưng lại ít mỡ, tỷ lệ thu hồi cao và có thể nuôi với mật độ cao.

Duyên cá basa nặng tình cá tra

Ông Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - người tâm huyết với ngành hàng này kể về con cá basa duyên nợ nặng tình.

Ông Bảy Nhị nhớ lại: "Tháng 10/2001, khi dự hội nghị Chính phủ tại Hà Nội, tôi phát biểu tình hình đánh tráo cá tra thành cá basa, làm cho cá basa không còn mấy người nuôi và ngoài tự nhiên nguồn thuỷ sản quý giá này đang cạn kiệt. Chỉ vì sự giống nhau về vóc dáng bên ngoài của chúng mà tôi gọi là "tình chị duyên em", làm mất uy tính Việt Nam trên thương trường, tiêu diệt một loài cá là nguồn thực phẩm quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng.

Khi tôi đang phát biểu thì Thủ tướng Phan Văn Khải ngắt lời và hỏi tôi: "Nó giống nhau như thế nào?". Tôi ấp úng trả lời: "Nó giống nhau như... chị vợ với em vợ". Tôi thật sự lỡ lời nên rất xin lỗi quý chị em! Mà thật tình, mối quan hệ giữa con người với tư cách cung - cầu trên thị trường với con cá basa ban đầu là "tình chị" đến năm 2000. Sau đó thì cá tra thay vào gần hết sản lượng xuất khẩu, rõ ràng không phải "duyên em" còn gì!? Nó như mối tình tay ba không công bằng nên không hạnh phúc".

Năm 2003, trước khi về hưu, ông Bảy Nhị đã cho làm tượng đài cá basa ngay ngã ba sông Châu Đốc, nơi phát tích của nghề nuôi cá basa trong lồng bè. Trước đó, cá tra chỉ được nuôi trong ao hầm, giá trị thấp vì thịt màu vàng hoặc vàng chanh và chỉ tiêu thụ tại địa phương. Nhưng khi đưa vào nuôi ở các lồng bè, cá tra phát triển tốt, tỷ lệ cá đạt chất lượng thịt trắng tăng mạnh, lợi nhuận cao hơn tới 30 - 40% so với cá tra nuôi hầm. Một số nhà máy mạnh dạn thu mua cá tra chế biến xuất khẩu.

Do nuôi bè chi phí khá cao nên vào năm 1993, một số người nuôi bắt đầu thử nghiệm đào ao dọc theo bờ sông lợi dụng thủy triều lên xuống để điều chỉnh lượng nước ra vào ao. Nhờ đó, thịt cá giữ được màu trắng ổn định và cho năng suất cao hơn nuôi bè. Hình thức nuôi này đã nhanh chóng được nhân rộng và duy trì tới tận ngày hôm nay. Để nghề nuôi cá tra phát triển mạnh, trở thành một ngành hàng nông sản chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long, còn có sự đóng góp không nhỏ của việc sinh sản nhân tạo thành công giống cá tra và sự xuất hiện các sản phẩm thức ăn công nghiệp dành cho cá tra.

Năm 1994, các nhà khoa học Pháp và Việt Nam đã cho sinh sản nhân tạo thành công giống cá tra tại Khoa thủy sản (Đại học Cần Thơ). Năm 1996, tổ chức CIRAD (Pháp) khởi động dự án cá da trơn châu Á với sự tham gia của 4 nước là Việt Nam, Indonesia, Pháp và Bỉ. Một năm sau, nhóm nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá basa thuộc dự án trên thử nghiệm trên cá tra để thử nghiệm các chỉ tiêu sinh sản giữa 2 loài cá.

Kết quả thu được vượt quá mong đợi khi cá tra có sức sinh sản gấp nhiều lần so với basa. Sau khi hoàn thiện, kỹ thuật sinh sản nhân tạo và ươm nuôi cá tra đã được chuyển giao cho người dân, tạo thành nghề sản xuất cá tra giống ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là một đòn bẩy quan trọng cho việc phát triển mạnh nghề nuôi, sản lượng cá tra.

Khối lượng và kim ngạch xuất khẩu tăng từng năm

Năm 1997 - 1998 là giai đoạn cá tra bắt đầu chập chững tìm đường xuất khẩu. Năm 1997, cả nước mới chỉ xuất khẩu 425 tấn cá tra với tổng giá trị trên 1,65 triệu USD, chiếm tỷ lệ 0,2% tổng xuất khẩu thủy sản và bằng 0,6% tổng xuất khẩu sản phẩm tôm. Trong giai đoạn sơ khai này, giá cá tra xuất khẩu dao động 3,9 - 4,1 USD/kg.

Từ năm 2000 trở đi nghề nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu hình thành các vùng nuôi tập trung lớn ở các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long... với tổng diện tích lên đến hơn 5.000 ha. Nếu năm 2001 sản lượng cả vùng đạt khoảng hơn 100 ngàn tấn thì năm 2009 đã trên 1 triệu tấn, với giá trị 1,4 tỷ USD. Dự kiến, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ duy trì mức 2,3 tỷ USD, tăng 60,86%.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), từ những bước đi tự phát của một số hộ nuôi nhỏ lẻ và những cơ sở sản xuất thô sơ, cá tra bắt đầu "lớn" lên thành ngành sản xuất quy mô công nghiệp. Năm 2002, đánh dấu bước phát triển ngoạn mục, khối lượng cá tra xuất khẩu đã tăng 6.580% và giá trị xuất khẩu tăng 5.253% so với năm 1997, số lượng thị trường cũng tăng 3 lần so với thời điểm ban đầu.

Bốn năm tiếp theo, từ khối lượng xuất khẩu ở mức ngàn tấn đã tăng lên con số hàng trăm ngàn tấn, với giá trị lên tới trăm triệu USD. Tuy nhiên, giá cá tra xuất khẩu trung bình lại giảm từ mức 3,11 - 3,15 USD xuống còn 2,5 - 2,75 USD/kg. Trong thời gian này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tập trung mạnh sang thị trường Mỹ.

Sau nhiều năm xuất khẩu thuận lợi và vươn xa tới nhiều châu lục, cá tra Việt Nam phát triển quá "nóng" tại Mỹ và đe dọa sản xuất cá nội địa Mỹ. Lần đầu tiên, cá tra Việt Nam vấp phải rào cản lớn tại thị trường nhập khẩu hàng đầu Mỹ.

Cá tra trước rào cản thuế chống bán phá giá

Ngày 28/6/2002, Hiệp hội chủ trại nuôi cá da trơn Mỹ (CFA) đã đệ đơn kiện một số doanh nghiệp Việt Nam lên Bộ Thương mại Mỹ (DOC) và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) là các sản phẩm cá tra đông lạnh bán thấp hơn giá trị hợp lý tại thị trường Mỹ, gây thiệt hại cho sản xuất nội địa. Nguyên đơn trong vụ kiện là 500 trại nuôi cá catfish thuộc Hiệp hội Nuôi cá Catfish (CFA) và 8 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản Mỹ. Bên bị đơn là 53 doanh nghiệp của Việt Nam.

Dự kiến, trong tháng 4/2019, DOC sẽ công bố kết quả cuối cùng mức thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR4) cho sản phẩm cá tra nhập khẩu vào Mỹ giai đoạn từ ngày 1/8/2016 - 31/7/2017. Kết quả này dự báo sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới diễn biến xuất khẩu của cá tra trong thời gian tới.

Bất chấp những rào cản kỹ thuật và thương mại, xuất khẩu cá tra tiếp tục tăng trưởng. Năm 2008, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cá tra 1,45 tỷ US, khối lượng xuất khẩu đạt 640,8 ngàn tấn, giá xuất khẩu trung bình đạt 2,27 USD/kg. Giá cá tra trung bình giảm từ 2,75 USD xuống còn 2,15 - 2,25 USD/kg. Vào năm 2011, giá trị xuất khẩu cá tra đạt mốc 1,8 tỷ USD.

Từ năm 2012 đến nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra trung bình đã thấp hơn so với thời kỳ đỉnh cao (năm 2011) và đạt mức từ 1,56 - 1,78 tỷ USD. Nhưng rõ ràng, sau 20 năm xuất khẩu, cá tra Việt Nam đã có bước phát triển không ngừng và mang tầm vóc quốc tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2019 là 2,3 tỷ USD, tương đương năm 2018, bên cạnh ổn định, giữ vững thị trường Mỹ, Trung Quốc, các doanh nghiệp sẽ quan tâm đẩy mạnh xuất khẩu vào EU. Trong năm 2018, cá tra là một trong những năm điển hình hoàn thiện đã được Mỹ công nhận tương đương trong quá trình sản xuất. Cố gắng đổi mới quy trình công nghệ quản trị và chế biến, những phế liệu phải tận dụng thật tốt để làm cho giá thành của sản phẩm chính hạ nhưng chuỗi giá trị lại dài ra, đây là mục tiêu phấn đấu của chúng ta.

"Phải duy trì các thị trường truyền thống và mở rộng các thị trường mới nổi. Bên cạnh việc mở rộng thị trường đó phải hết sức chú ý đến thị trường 96 triệu dân trong nước và 15 triệu khách du lịch. Đây là một thị trường bền vững khổng lồ và người dân của chúng ta phải được quyền ăn thủy sản", ông Cường nhấn mạnh.

Theo VNECONOMY

SẢN PHẨM MỚI

Call:0972.00.88.78

Thăng Trầm 40 Năm Của Cá Tra, Basa Việt

Từ cuối năm 1980 đến nay, cá tra, basa Việt Nam đã từ ao làng vươn ra thị trường thế giới ...