Thông Tin
Những Đặc Sản Nha Trang – Khánh Hòa Nổi Tiếng Gần Xa Làm Du Khách Lưu Luyến
Nha Trang – Khánh Hòa là vùng đất được lòng rất nhiều du khách trên khắp thế giới, đến đây bạn không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh vật thiên nhiên đẹp mắt mà còn được thưởng thức những món ăn hấp dẫn, gây ấn tượng mạnh mẽ của vùng đất trầm hương này.
Hãy cùng Sản Phẩm Đặc Sản tìm hiểu những món ăn đặc sản Nha Trang – Khánh Hòa dưới đây có thể giúp bạn tạo thành một cuốn cẩm nang khi có dịp đến thăm.
1. Bò nướng Lạc Cảnh
Lạc Cảnh là tên nhà hàng ra đời cách đây 40 năm, rất nổi tiếng với các món ăn ngon ở Nha Trang. Ở đây có một món đã trở thành thương hiệu mà khi nhắc đến đặc sản Nha Trang không thể không kể đến đó là bò nướng Lạc Cảnh!
Bí quyết làm nên vị ngon của món thịt bò này nằm ở công thức trộn thịt bò với mật ong cùng hơn 10 gia vị của quán. Thịt bò nướng được thái thành từng miếng vuông vừa ăn, khách tự nướng thịt trên một chiếc lò đất với than hồng kèm theo chiếc vỉ nướng đặt lên trên. Miếng thịt khi nướng chín thơm lừng, nóng hổi, ăn vào thấy thơm ngon khó tả nhờ gia vị đặc trưng.
Bò nướng thường ăn kèm với các loại rau sống gồm xà lách, dưa leo, hành ngò, cà chua, hành tây chấm với muối hạt trộn chanh ớt. Các bạn có thể gọi thêm bánh mỳ hoặc bánh tráng để ăn cùng thịt bò. Ngoài bò nướng Lạc Cảnh, quán còn có nhiều món ngon đặc trưng khác như: Cơm tay cầm, hải sâm chân gà, bóng cá dồi thịt, dê bát bửu, tôm hỏa tiễn, gà xối mỡ… ăn với cơm trắng.
2. Bánh xèo mực Nha Trang
Nha Trang nổi tiếng với nhiều đặc sản được chế biến từ hải sản, đặc biệt là món bánh xèo mực Nha Trang. Ảnh Foody
Bánh xèo mực là sự kết hợp giữa hương vị của gạo, mực, tôm, hành và giá đỗ. Cách làm bánh xèo mực cũng đơn giản, vỏ bánh xèo mực được làm từ bột gạo nhưng nhân lại làm bằng tôm, giá đỗ và đặc biệt không thể thiếu mực tươi. Tôm và mực mới đánh bắt về, lựa chọn kĩ, rửa sạch, phải để nguyên con, không được mổ để giữ cho mực có mùi vị thơm ngon nhất.
Người ta cho ít dầu ăn vào khuôn, láng đều để bánh không bị dính và để tăng độ béo và mùi thơm của bánh, rồi cho tôm và mực vào trước để chúng chín sơ qua. Cuối cùng cho bột vào, rắc giá đỗ lên trên cùng, rồi đậy nắp lại chờ bánh chín và xúc ra.
Chiếc bánh xèo mực sau khi được lấy ra khỏi khuôn, sẽ được ăn kèm với rau sống gồm xà lách, cải xanh, rau diếp cá, rau đắng, rau mùi… chấm với nước mắm chua ngọt.
3. Lẩu mực Đại Lãnh
Điểm đặc biệt của lẩu mực Đại Lãnh là mực ở đây rất tươi, vì người dân Đại Lãnh chuyên hành nghề đánh bắt mực bằng cách câu, giăng mành hoặc nhử lồng, lúc nào cũng đủ các loại mực ống, mực cơm, mực nang tươi rói. Chủ quán ở đây dùng mực ống, mực cơm để nấu lẩu, đĩa mực lúc dọn lên còn tươi nguyên, trong veo, nhìn thấy cả da mực óng ánh nữa.
Lẫu mực đại lãnh đặc sản Khánh Hoà - Nha Trang
Lẩu mực gồm một nồi nước súp, trong đó có cà chua, dứa chín, gừng và một số gia vị khác kèm theo. Chiếc bàn dùng để ăn lẩu ở Đại Lãnh cũng hay hay vì được chủ quán thiết kế có một “lỗ thủng” ở giữa. Người ngồi xung quanh, nồi nước lẩu bắc lên trên chỗ “lỗ thủng” đó. Ngoài nồi nước, một suất lẩu mực còn có một đĩa mực tươi đầy, một đĩa rau gồm mồng tơi, cải xanh, măng tươi, giá đỗ, hành tây, hành lá, một loại quả gọi là bắp còi; và một đĩa bún tươi cùng đầy đủ các loại mắm, ớt. Khi nồi nước đã sôi, cho mực và rau vào, đợi nước sôi lại lần nữa là có thể ăn được. Mực tươi chấm với nước mắm nguyên chất có ít ớt xiêm xanh cay nồng rất đặc trưng.
Nghe kể trước kia các quán có thời gian bán “lẩu bụng”, tức là khách đến ăn lẩu mực cứ ăn no rồi tính tiền cố định theo “bụng” cho mỗi người. Kiểu này giống như mua vé vào tham quan các vườn trái cây ở miền Tây, cứ ăn thoải mái chứ không được mang trái ra ngoài. Còn bây giờ thì hầu hết các quán đều bán lẩu theo phần, mỗi phần lẩu khoảng 3 – 4 người ăn. Nếu muốn ăn nhiều mực hơn thì cứ thoải mái gọi thêm.
4. Bánh đập Nha Trang
Bánh đập là loại bánh dân dã rất phổ biến ở các tỉnh ven biển miền Trung từ Quảng Nam đến Khánh Hòa. Bánh đập được kết hợp từ bánh tráng (bánh đa) nướng với bánh ướt mới ra lò kẹp vào nhau với nhân là thịt, tôm cháy và mỡ hành. Lúc ăn, chỉ cần đập bộp vào giữa bánh rồi chấm với mắm nước hay mắm cái (mắm nêm).
Để làm bánh tráng nướng, người ta sẽ tráng một lớp bột gạo dẻo mỏng trên lớp màng vải mỏng căng trên nồi hơi. Thời gian hấp từ 1 đến 2 phút sau đó phải phơi khô rồi mới nướng chín trên bếp than. Với bánh ướt thì tráng một lớp mỏng hơn, khi chín thì dùng que tre mỏng, dỡ bánh và xếp đều lên đĩa, giữa các lớp bánh thoa một lớp dầu để bánh không dính vào nhau.
Đặc trưng của bánh này là thịt nướng. Thịt nạc rửa sạch, thái lát mỏng, ướp với các gia vị như đường, muối, sả, tiêu, ngũ vị hương… sau khi ngấm gia vị thì cho vào vỉ nướng chín. Nước chấm được pha từ mắm nêm với một ít đường, dứa bằm nhỏ, tỏi, ớt. Khi ăn, lấy một cái bánh ướt trải lên trên bánh tráng nướng, thoa đều lên một ít mỡ hành, rắc tôm cháy và vài lát thịt nướng, gập đôi bánh lại rồi chấm vào mắm nêm.
5. Bún mực Vạn Ninh
Ẩm thực Nha Trang đã trở thành nét văn hóa đặc trưng với những món ăn ngon, đậm chất miền biển như: Bún sứa, cua Huỳnh Đế, tôm hùm Bình Ba… Trong số đó có một món rất đắc sắc đó là món bún mực Vạn Ninh, một món ăn khá đơn giản, dễ làm nhưng hương vị lại đặc biệt thơm ngon.
Bún mực Vạn Ninh - Đặc Sản Nha Trang
Bún mực là món “cây nhà lá vườn” của vùng biển lắm mực nhiều cá – Đại Lãnh (Vạn Ninh, Khánh Hòa). Nấu bún mực nhanh và dễ, chỉ độ dăm phút là xong. Người ta thường chọn những chú mực ống màu tím bằng ngón tay cái không quá lớn và không quá nhỏ, bụng chứa đầy trứng, cắt làm đôi, rửa sạch, để vào rổ ráo nước. Thơm (dứa), cà chua xắt mỏng, rau ngổ cắt ngắn, sau đó bắc nồi nước sôi, cho cà chua, thơm vào nấu trước rồi cho mực vào. Khi thấy mực chín săn lại thì nêm thêm gia vị cho hợp khẩu vị.
Tại các quán ăn, khi có khách vào thì đầu bếp mới bắt đầu làm bún mực chứ không làm trước như nhiều món ăn khác. Cho bún vào tô, múc nước lèo chan vào, bún mực ăn kèm rau thơm, bắp chuối cắt mỏng thành sợi, thêm đĩa nước mắm ớt đỏ nữa là tuyệt.
6. Sò huyết Thủy Triều
Sò huyết Thủy Triều là một trong những món không những ngon mà còn có giá trị dinh dưỡng cao, được mệnh danh là loài hải sản vua trong các loài hải sản.
Thịt sò huyết có vị ngọt, mặn, không độc. Có tác dụng bổ huyết, chữa được nhiều bệnh như huyết hư, thiếu máu… Sò huyết có nguồn chất đạm phong phú, chứa nhiều khoáng chất và vitamin…, giá trị dinh dưỡng cao giúp tăng sức dẻo dai cho cơ thể.
Sò huyết có thể chế biến được nhiều món như: Sò nướng, hấp bia với sả ớt, sò xốt me, sò huyết nướng mỡ hành, nướng bơ tỏi. Bí kíp để có những món sò ngon là phải chọn những con không quá to hay quá nhỏ. Nếu sò quá nhỏ dễ bị teo lại khi chế biến nên ăn không ngon. Nếu sò quá to lúc chín sẽ quá dai.
Nghe đồn còn một món ăn nữa mà nhiều người sành ăn khoái khẩu là gỏi sò huyết. Sò huyết làm gỏi chỉ được hấp vừa chín tới, tách vỏ và lấy phần thịt. Sò có thể cắt đôi hoặc để nguyên con, trộn gỏi với hành tím, thêm ít nước mắm chua ngọt.
Có một điểm chung là trong quá trình chế biến tất cả các món liên quan đến sò huyết là không nên nấu chín mà phải ăn ở dạng chín tái mới ngon. Nếu có dịp qua vùng đất Khánh Hòa, các bạn đừng quên thưởng thức đấy nhé.
7. Cá tràu Võ Cạnh
Cá tràu chính là cá lóc (theo cách gọi của người miền Nam), cá quả (miền Bắc), là một món ăn quen thuộc từ Bắc vào Nam. Ở Khánh Hòa nổi tiếng có cá tràu Võ Cạnh (một ngôi làng nhỏ thuộc phường Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang) cá mập, thịt thơm ngọt và không có mùi tanh như cá ở những nơi khác.
Cá tràu Võ Cạnh ngon phải là loại được đánh bắt ngoài tự nhiên, những con cá to mập hơn cổ tay người lớn, da mềm, bóng, thịt bên trong chắc dầy mới ngon. Cá khi bắt về còn tươi sống, được làm sạch và chế biến thành nhiều món ăn ngon: Nướng trui, kho, nấu cháo, làm mắm… nhưng được hâm mộ nhất là cá tràu nướng trui.
Cá tràu được chọn phải đang sống, để nguyên con mà nướng. Có thể xâu xuyên cá từ miệng dọc thân để nướng hoặc lấy đất bùn bọc lấy con cá rồi đốt lửa nướng. Có một điều thú vị là các bạn có thể thưởng thức món cá này theo kiểu của thi sĩ Tản Đà bằng cách làm sạch cá, ướp gia vị rồi quấn nhiều lớp lá chuối tươi nướng vùi âm ỉ trong đống trấu.
Món cá tràu nướng thường được dùng kèm với bánh tráng, các loại dưa rau, muối tiêu chanh hoặc mắm nêm đã được vắt chanh, ớt thái lát.
8. Bún lá cá dầm Ninh Hòa
Thành phần chính của món này là bún lá, cá dầm, chả cá và nước dùng. Bún lá là một loại bún tươi ở làng Thanh Mỹ, Ninh Hòa, bún này không rời từng sợi như các loại bún nước mình từng ăn mà các lát bún được xếp nguyên vào bát. Cá dầm là một đặc sản nổi tiếng của người dân Khánh Hòa rất được ưa thích. Chế biến cá dầm cũng không khó lắm, sau khi làm sạch, luộc chín, bỏ da và xương thì đem thái thành từng khúc vừa ăn.
Chả cá thì quá quen thuộc ở Khánh Hòa rồi, nguyên liệu chính là cá thu, cá mối hoặc cá đỏ. Chả cá được chế biến theo hai cách: Chiên hoặc hấp. Ở đây người ta có bí quyết nấu nước dùng khiến nước vừa trong vừa ngọt mà không có mùi tanh của cá. Nguyên liệu chính để nấu nước dùng là cá bò hay cá ngừ, cá cờ biển.
Khi có khách ăn, chủ quán ở đây mới chần bún tươi sơ qua nước sôi rồi cho vào bát, thịt cá dầm và chả cá được cho lên trên, thêm một ít hành ngò, chan ngập nước dùng. Bát bún rất thơm, nghi ngút khói trông cực hấp dẫn. Ăn kèm bún cá là húng quế, xà lách, bắp chuối, rau thơm thái nhỏ trộn đều với giá đỗ. Nếu muốn đậm đà thì cho thêm ít mắm ngọt hoặc mắm ruốc.
9. Gỏi cá mai Nha Trang
Gỏi cá mai Nha Trang là món ăn phổ biến dễ dàng tìm thấy tại các quán hải sản bình dân hay các nhà hàng sang trọng và là món ăn ngon, bổ dưỡng.
Cá mai nhỏ gần giống với cá cơm nhưng không có vảy, mình dẹp, thịt trong, không có máu nên không tanh. So với các loại tương tự như cá cơm, cá mương… thì thịt cá mai dai, giòn chứ không bở. Hầu như người ta chỉ chế biến cá mai làm gỏi.
Gỏi cá mai làm công phu, phải chọn cá thật tươi mới đánh bắt về. Ngon nhất là cá vừa vớt từ dưới biển đem lên bỏ vào rổ chà cho sạch nhớt, cắt đầu, bỏ ruột để ráo nước. Sau đó dùng tay bóp bên hông từng con một rồi rút xương ra.
Người ta thường dùng chùm ruột, khế chua hoặc chanh vắt lấy nước để tái chín cá mai. Thịt cá sau khi bóp chua sẽ chuyển từ màu trắng trong sang trắng ngà, đục. Cá mai bóp chua xong trộn với thính làm từ lạc rang thơm rồi giã mịn rưới đều lên. Hành tây, gừng, rau răm, húng quế, ngò, tía tô, diếp cá, húng lủi cắt sợi nhỏ rồi trộn với cá mai, nêm gia vị (ớt, tỏi, muối, đường, bột ngọt, tiêu, lạc…).
Điểm nhấn của món gỏi này là nước chấm. Nếu như ở Phan Thiết, nước chấm được chế biến từ nước mắm, me với vị chua ngọt thì ở Nha Trang, nước chấm được làm khá công phu, nước mắm phải là loại thật ngon, tỏi ớt băm nhuyễn với ít nước cốt chanh và đường để tạo vị mặn, chua ngọt.
Gỏi cá mai thường ăn kèm với bánh tráng, rau sống, khế chua, chuối chát. Đặt ít rau sống, chuối chát, khế chua và gỏi cá mai vào miếng bánh tráng rồi cuộn lại, chấm nước chấm và thưởng thức.
10. Bún sứa Nha Trang
Bún sứa là món ăn phổ biển của miền biển, nhưng độc đáo và có tiếng nhất phải kể đến bún sứa Nha Trang, rất được yêu thích bởi món ăn ngon, bổ, mát. Thậm chí người ta còn nói nếu đến Nha Trang mà chưa ăn bún sứa xem như chưa biết hết biển Nha Trang.
Thành phần chính của món ăn này là sứa, được đánh bắt ngay trên vùng biển Nha Trang. Tuy sứa có quanh năm nhưng nghe kinh nghiệm của người dân ở đây thì sứa ngon nhất là khi bắt đầu vào hè. Chọn loại sứa chân nhỏ bằng đầu ngón chân cái hoặc ngón tay cái, màu trắng đục, thành dày. Loại sứa này do các ngư dân vớt tận ngoài đảo xa. Sứa vừa bắt lên được chà rửa thật sạch, ngả sang màu xanh pha tím rất đẹp.
Các hàng bán bún sứa mang về giã lá ổi hoặc ngâm vào phèn chua vài giờ để sứa se lại, sau đó xả nước lạnh thật kỹ, cắt lát nhỏ, chần sơ để ráo dùng làm nguyên liệu chính. Ngoài ra còn có chả cá ăn kèm bao gồm các loại cá trứ danh: Thu, nhồng, đối… được lóc xương lấy thịt quết đến nhuyễn và dai, sau đó vo thành viên nhỏ rồi hấp chín.
Người ta nấu nước dùng bằng các loại cá chứ không dùng xương heo, nguyên phụ liệu khác cũng từ biển và hạn chế dùng quá nhiều gia vị. Vì vậy tô bún sứa ngọt nhưng vẫn thanh và không ngán. Bún sứa phải ăn nóng mới ngon. Ở các tiệm, bún đã được chần nước sôi, bỏ vào bát; xếp lên trên mặt một lớp sứa, chả cá và chan nước dùng nóng hổi. Ăn kèm với bún sứa là đĩa rau sống thái nhỏ, ớt hiểm, chanh.
11. Bánh canh chả cá Nha Trang
Bánh canh chả cá là món ăn bình dân quen thuộc của người Nha Trang nhưng hầu hết những ai đến đây cũng muốn thử được ăn một lần.
Bánh canh ở đây thường gồm ba loại: Bánh canh bột lọc, bánh canh bột gạo và bánh canh bún. Bánh canh bột lọc làm bằng bột mì hoặc bột năng, thường được nấu với cua. Bánh canh bột gạo thì làm như bánh phở, còn bánh canh bún là loại bún cọng to.
Nguyên liệu chính tạo sự hấp dẫn cho món này là chả cá. Cá dùng làm chả cá thường là cá thu, cá mối, cá rựa, cá cờ, cá nhồng, cá chuồn… Cá tươi được làm sạch, lọc hết xương, nạo lấy thịt cá. Cho hành, tiêu, các loại gia vị như đường, muối và thịt cá vào cối, giã liên tục cho đến khi thịt cá thật nhuyễn, không bị bở. Sau khi giã thịt cá xong thì vo viên hay nặn thành từng lát mỏng nhỏ và chiên vàng, có thể đem hấp chín. Xương cá sau khi nạo hết thịt thì đem ninh chung với các loại cá nhỏ để lấy nước vì thế nên nước lèo có vị ngọt thanh rất vừa miệng.
Khi có khách ăn, người bán hàng sẽ chần qua sợi bánh canh mới cho vào bát nước dùng nghi ngút khói, cho vài lát chả cá chiên vào, thêm hành ngò, hành phi, tiêu, có thể vắt vào ít chanh, mắm ớt để bát bánh canh đậm đà hơn.
12. Cua Huỳnh Đế
Khánh Hòa rất nổi tiếng với các loài hải sản tươi sống giá bình dân từ tôm, cua, ghẹ, ốc biển, sò huyết… Đặc biệt trong số này là cua Huỳnh Đế – một loài hải sản rất quý hiếm nổi tiếng tập trung nhiều ở các vùng biển duyên hải miền Trung, nhất là ở Phan Thiết và Nha Trang.
Cách lý giải tên gọi cua Huỳnh Đế khá thú vị. Ngày xưa, khi vua du ngoạn ở các vùng biển đẹp, thấy người dân nơi đây đánh bắt được loại cua lạ, có màu đỏ hồng như chiến bào, hình dáng như loài rùa nên ăn thử thì thấy ngon nên truyền chỉ phải dâng lên hoàng cung. Vì thế gọi là cua Huỳnh Đế còn gọi là cua hoàng đế – loài cua mà vua lưu truyền trong dân gian.
Cua Huỳnh Đế có hình thù độc đáo, hình dáng có phần giống con tôm, phần đầu lớn nhiều râu, mai suôn hơi dài hình quả táo chứ không giống các dạng mai cua khác. Cua Huỳnh Đế có hương vị thơm ngon, thịt chắc, ngọt và gạch rất chắc, thơm, béo ngậy hơn hẳn gạch các loại cua, ghẹ khác.
Người ta có thể chế biến cua Huỳnh Đế thành nhiều món như rang me, rang muối, nướng… nhưng ngon và đơn giản nhất vẫn là món hấp chấm với muối tiêu ớt xanh hoặc luộc lấy thịt phi hành với gia vị rồi nấu cháo.
13. Chả cá Nha Trang
Không chỉ vùng biển mà hầu như ở mọi nơi, chả cá luôn là món ăn rất phổ biến và không khó kiếm. Nhưng Loca muốn đặc biệt giới thiệu cho các bạn món chả cá ở Nha Trang – một đặc sản cực nổi tiếng của vùng biển này.
Chả cá Nha Trang nổi tiếng ngon bởi được làm từ cá tươi. Cá ở đây mùa nào cũng có, kể cả mùa giông bão. Cá làm chả thường là cá mối, cá thu, cá thởn, cá rựa, cá nhồng, cá chuồn, cá cờ… Nhưng ngon nhất là cá thu, cá mối, cá rựa; đặc biệt hơn thì có chả cá nhồng nhưng giờ loại cá này khá hiếm nên ít thấy. Chả cá có hai loại là chả chiên thì thơm, còn chả hấp thì ngọt. Dù chiên hay hấp thì cũng đều dai, mềm và ngọt vị cá.
Chả cá làm khá đơn giản, chỉ nhọc công ở khâu giã cá. Cá tươi nạo lấy thịt cùng hành, tỏi, tiêu, gia vị bỏ vào cối quết thật nhuyễn; quết càng nhuyễn lại càng dai. Chả cá có thể thái miếng hoặc vo viên rồi cho vào chiên, hấp đều được. Nếu chả cá hấp thì cho thêm mỡ khổ cắt hạt lựu, một ít nấm mèo cắt nhuyễn cho vào hấp đến khi gần chín thì đập một quả trứng lên bề mặt để có màu vàng.
Nha Trang có nhiều món mà chả cá là nguyên liệu chính như món bánh canh, bún chả cá, mì Quảng… Có nhiều cách thưởng thức chả cá, ngon nhất là ăn chung với bánh mì mới ra lò và muối tiêu, bánh mì giòn rụm cộng chả cá thơm, ngon, ngọt thực sự là rất đã.
14. Bánh căn Nha Trang
Bánh căn là món ăn chơi phổ biến ở Nam Trung Bộ, có nguồn gốc ở Ninh Thuận nhưng các bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Ở Nha Trang, bánh căn có hình dáng gần giống bánh khọt ở các tỉnh phía Nam, nhưng cách làm thì lại hoàn toàn khác biệt.
Để làm bánh căn Nha Trang cần nguyên liệu chính là gạo ngâm với một ít cơm nguội phơi khô, xay thành bột pha loãng, thêm ít dầu đậu phộng (hoặc mỡ heo), lá hành tươi và nước mắm.
Cách làm cũng khá đơn giản với một bộ khuôn đất nung đặt thăng bằng, bếp lò với cửa kín gió để bánh chín đều và đẹp. Đầu tiên, người ta đặt khuôn bánh lên bếp than đợi nóng khuôn sau đó đổ bánh vào và dùng một cây que đầu quấn bông nhúng vào dầu hay mỡ heo thoa đều lên mặt khuôn đê khi bánh chín dễ lấy ra khỏi khuôn, đợi dầu nóng thì bắt đầu cho từng thìa bột vào và cuối cùng mới cho nhân bánh, tùy vào thói quen ăn uống của từng vùng miền cũng như từng người ăn mà nhân bánh có thể là trứng, tôm, thịt, hoặc hải sản.
Nước chấm ăn kèm thường là nước mắm pha loãng, có tỏi, ớt… hoặc nước cá kho (thường là cá nục). Nước chấm có thể bỏ thêm xíu mại, mỡ hành để tăng hương vị và dinh dưỡng, cũng có thể thay đổi tùy ý với đủ vị mặn, ngọt, béo, bùi… và có cả mắm nêm với nước tương.
15. Ốc cồi điếu Nha Trang
Nha Trang còn được gọi bằng một cái tên rất đáng yêu là “thành phố ốc”, ở đây có thể không có nhiều quán ốc nhất nhưng lại vô cùng đa dạng về các thể loại ốc. Loca muốn giới thiệu cho các bạn món ốc cồi điều là một trong những loại hải sản hiếm, ngon và rất lạ.
Cái tên của con ốc này phần nào nói nên hình dạng của nó. Theo người Nha Trang kể, ốc cồi điếu có vỏ bằng đá vôi (chính là san hô hóa thạch), dài và tròn như một đoạn ống nước, một đầu kín, còn đầu kia chính là mày của con ốc. Hình dạng phần đầu cong cong giống chiếc điếu, nên ngư dân gọi là cồi điếu. Để bắt được chúng người dân miền biển phải lặn ở những vùng san hô già hoá thạch. Có người bảo phải ở độ sâu đến 15 – 20m, nhưng điều đó không lấy gì làm chắc chắn. Vì con ốc trông giống như một que san hô già nằm lẫn với đá, có khi bám chắc vào những hốc đá tự nhiên, nên phải đục đá ra mới bắt được ốc – công đoạn này không thể thực hiện dưới biển sâu, tức là đá phải được xắn từng tảng mang lên bờ.
Sơ chế loại ốc này cũng lắm công phu, cồi điếu được lấy ra khỏi ống, chẻ làm hai thành một miếng thịt ốc mỏng màu trắng ngà rất hấp dẫn, sau đó cẩn thận bóc đường chỉ đen dài theo thân ốc mà nghe đầu bếp nói đó là tim hay mật của ốc, ăn đắng và tanh.
16. Nhum Nha Trang
Món đặc sản không thể không ăn khi đến Nha Trang đó là Nhum (còn gọi là cầu gai hay nhím biển) không những thơm ngon mà còn cực bổ dưỡng cho sức khỏe.
Nhum là một loài động vật thuộc loại nhuyễn thể, có họ hàng với trai, sò. Ðể bắt nhum, người ta phải lặn theo các gành đá, dùng móc sắt giật khẽ, rồi nhặt bỏ vào bao. Nhưng nếu khua động mạnh, nhum sẽ “bắn gai” tự vệ rồi bám chặt vào vách đá, không thể gỡ ra được. Nhum bắt về sau đó rửa sạch rồi dùng dao chặt đôi, cắt bỏ túi dạ dày, lấy thanh tre mỏng nạo thịt ra khỏi vỏ. Thịt nhum kết thành năm hoặc tám múi như múi cam, màu trắng hồng, có thể kho để ăn cơm hoặc trộn vào trứng chưng cách thủy, tráng chả, nhưng đặc sản nhất là ăn sống – thịt nhum tươi chấm với muối tiêu và chanh, ăn kèm rau thơm là hết ý.
Còn món cháo nhum Nha Trang cũng rất nổi tiếng, tự làm món này cũng đơn giản lắm. Sau khi bắt nhum dưới biển lên đem rửa sạch, tách làm đôi. Bên trong là những thớ thịt và trứng chạy dọc theo lớp vỏ. Dùng dao hoặc thìa tách phần thịt và trứng ra, ướp chung với các loại gia vị cùng ít tiêu, hành, rồi cho vào chảo dầu đảo sơ qua. Khi đảo xong, trút tất cả vào nồi cháo đang sôi, khi cháo nhừ thì nhấc xuống múc ra bát rồi thưởng thức
Những người đi biển mách rằng ăn cháo nhum rất nhanh hồi phục sức khỏe và giúp tiêu hóa tốt hơn, bổ sung canxi, riêng cánh đàn ông, món cháo nhum còn có tác dụng bổ dương, tăng cường sinh lực đấy nhé.
17. Mực rim me Nha Trang
Mực rim me được làm từ loại mực khô, đem cán mỏng, con mực mềm đầy đặn nhưng vẫn giữ nguyên độ dai vốn có. Để mực được ngon và không quắt khi rim thì phải nướng mực trước cho chín rồi bóp mềm. Ướp gia vị gồm đường, ớt, nước mắm cho thấm; sau đó cho lên chảo dầu đã phi hành thơm, để lửa liu riu cho mực ngấm đều, không bị dai hoặc mềm quá. Đảo đều mực đến khi thấy nước mực sệt lại, chuyển qua màu đỏ, vị ngọt cay, mực giòn là ăn được.
Món mực rim me này có thể dùng làm đồ nhắm, ăn chung với dưa hành, củ kiệu tương tự như dùng tôm khô ở miền Tây vào ngày Tết. Hay có thể ăn với cơm trắng, cháo trắng hoặc được dùng làm gỏi xoài, không thì ăn trực tiếp kèm rau sống, dưa leo… Khi ăn có vị chua, ngọt, mặn của me và mực, hương vị rất đặc biệt và cũng kích thích vị giác lắm đó.
18. Bánh tráng xoài Nha Trang
Bánh tráng xoài là một loại bánh giống bánh tráng, nhưng nguyên liệu chế biến chỉ có xoài chín và một ít đường, là một loại bánh dân dã và trở thành “thương hiệu” nổi tiếng của Khánh Hòa.
Cách chế biến bánh tráng xoài rất đơn giản. Người ta chọn xoài chín, rửa sạch, bóc vỏ chứ không gọt để nước xoài ít xơ. Sau đó dùng nạo có lỗ to, chà xát mạnh rồi đặt dưới bát hoặc chậu nhỏ, nạo cho tới khi quả xoài đến hạt. Tiếp đó lấy nước xoài cho vào nồi, chảo và đặt trên bếp, cho thêm chút đường cho ngọt, sau đó vừa đun vừa khuấy đều tay để xoài không cháy, thịt xoài không dính xoong. Nấu đến khi sôi, hỗn hợp sền sệt là được.
Phơi bánh bằng cách trải miếng nhựa ra chiếc nong, nia hay sàng (nhiều nhà thay bằng bánh tráng khô mua ngoài chợ), cho hỗn hợp nước xoài vào rồi láng mỏng ra cho hết mặt nia. Sau đó mang ra sân phơi nắng tới khi sờ vào không dính tay, có thể nhấc bánh lên là được. Thông thường phơi bánh 2 ngày trong trời nắng gắt là có thể dùng được.
Bánh tráng xoài sau khi phơi được cắt ra thành miếng hình chữ nhật vừa phải và bọc trong túi nylon để bảo quản. Bánh xoài độc đáo ở chỗ giữ được rất lâu mà không cần sử dụng bất kì hóa chất nào bởi vị chua của xoài và cách chế biến dựa vào nắng tự nhiên.
Ăn bánh tráng xoài không cần chế biến hay kết hợp thêm nguyên liệu ăn kèm. Bánh có vị chua thanh, ngòn ngọt, hơi dai cùng mùi thơm tự nhiên của xoài.
Để mua bánh tráng xoài Nha Trang, các bạn có thể đến khu vực chợ Đầm (Bến Chợ, Vạn Thạnh, tp. Nha Trang) đây là khu chợ rất nổi tiếng về các đặc sản làm quà của Khánh Hòa.
19. Tôm hùm Bình Ba
Người dân Khánh Hòa có câu: “Yến sào Hòn Nội, vịt lội Ninh Hòa, tôm hùm Bình Ba, nai khô Diên Khánh” để chỉ những đặc sản trứ danh mà người dân nơi đây dù đi đâu cũng luôn tự hào. Nhắc đến tôm hùm, chẳng riêng gì người Khánh Hòa cũng nghĩ ngay đến cái tên Bình Ba – một hòn đảo đặc trưng bởi ngành nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản đa dạng như: Sò điệp, trai, ốc hương, cua, ghẹ và các loại cá… nổi tiếng nhất là tôm hùm. Ngư trường nơi đây tạo ra những giống tôm hùm bông xanh có hương vị rất riêng và đặc biệt.
Tôm hùm Bình Ba là một loại hải sản có tiếng, có con to bằng bắp chân, hai cọng râu dài cả mét, thịt tôm hùm chắc và giàu đạm. Tôm hùm Bình Ba được nhận xét là nhiều thịt, mềm và có vị ngọt đặc trưng. Người dân trên đảo thường chế biến tôm hùm thành nhiều món, đơn giản thì nướng, hấp, cầu kì hơn thì lăn bột chiên, nấu canh chua tôm hay kho rim. Cháo tôm hùm cũng là món ăn khó có ai bỏ qua, ngoài ra, còn một món ăn rất đặc biệt mà nhiều người muốn ăn thử một lần cho biết khi đến đây đó là tiết canh tôm hùm, món ăn lạ, vị mằn mặn, ngòn ngọt ăn chung với bánh tráng và các loại rau sống như ngò gai, rau diếp cá, khế chua, chuối chát.
Một lần đến Nha Trang thử cảm giác ngồi giữa bè bồng bềnh trên biển lộng gió, thưởng thức gỏi cá mai, tôm hùm tươi rói bắt tại lồng bè, ăn cháo nhum, nhấp ngụm rượu huyết tôm, tự cảm thán cuộc đời cũng thú đến vậy là cùng.
20. Nem Ninh Hòa
Là một huyện ven biển, nằm phía Bắc thành phố Nha Trang, Ninh Hòa nổi tiếng với nghề làm nem từ nguyên liệu chính là thịt heo được lựa chọn và chế biến công phu, “Nem Ninh Hòa” là tên gọi chung của nem chua và nem nướng.
Để làm nem chua, người ta phải chọn loại thịt nạc ở hai bắp đùi heo mới mổ. Bỏ thịt đang nóng vào cối và phải giã đều thịt bằng tay, vừa giã vừa gia giảm đường, muối. Ngoài ra còn cần bì heo luộc chín tới, nạo bỏ mỡ, lạng mỏng và xắt sợi như những sợi miến. Sau khi giã xong, người ta trộn đều thịt và bì rồi gói vào lá vông hay lá chùm ruột, bên ngoài cuộn thêm lớp lá chuối hột hoặc chuối mốc xanh rồi buộc bằng lạt giang, sau ba ngày nem chín là có thể ăn được. Nem Ninh Hòa thường ăn kèm với tỏi hoặc chấm với tương ớt đỏ, cay nồng. Khi ăn có vị chua dịu, dai, giòn sần sật.
Khác với nem chua, nem nướng Ninh Hòa là món ăn ngay, ăn nóng. Nem được chế biến từ thịt nạc giã nhuyễn với mỡ phần xắt hạt lựu, gia giảm tỏi, tiêu, muối, đường… Sau khi trộn đều, nem được viên bằng đầu ngón tay cái rồi xiên hoặc kẹp vỉ nướng trên than hồng. Nem nướng được dùng kèm với bánh tráng, chuối chát, khế, dứa, dưa leo lát mỏng, xà lách, tía tô, diếp cá, hẹ… chấm vào một loại nước chấm ngọt được chế từ thịt nạc băm, tương, đường, muối, tỏi, ớt, đầu phộng.
21. Bánh ướt Diên Khánh
Thị trấn Diên Khánh (đặc biệt là đoạn dọc quốc lộ 1A) Khánh Hòa có một món ăn rất phổ biến là bánh ướt. Món ăn này nổi tiếng đến mức có cả một con phố chỉ bán toàn bánh ướt nổi tiếng ở địa phương, và được gọi là “Phố bánh ướt”.
Bánh ướt Diên Khánh đặc sản Khánh Hoà
Chỉ cần một chiếc nồi to với tấm vải mỏng để hở lỗ nhỏ trải thẳng trên vung nồi là đã có thể chế biến được món bánh ướt này. Bột làm bánh ướt Diên Khánh là bột gạo tẻ xay nhuyễn với tỉ lệ nước thích hợp để khi tráng bánh thật mỏng mà không bị rách, có thể pha thêm ít muối cho bánh có vị đậm đà.
Loại bánh này ăn nóng mới ngon nên khi có khách vào, người làm bánh mới ngồi vào bếp, dùng gáo múc bột nhẹ tay tráng đều trên khuôn vải. Khi bánh chín giở nắp nồi, lấy que tre chia bánh thành 2 phần cho vào 2 đĩa, phết lên đó một ít mỡ hành, một ít tép mỡ, rắc lên đó một ít tôm xay hoặc đậu xanh chín giã nhỏ rồi cuộn lại. Bánh ướt nóng được ăn kèm với chả lụa Diên Khánh bằng ngón tay cái, quấn nhiều lớp trong lá chuối, ăn ngọt và giòn.
Nước chấm bánh thường có hai loại là mắm nước và mắm nêm. Mắm nước được pha từ nước mắm với tỏi, ớt, chanh, đường mặn ngọt vừa phải, hơi cay. Mắm nêm pha từ mắm nêm trộn với thơm (dứa) sắt nhỏ, ớt , đường, chanh. Độc đáo hơn, có nhiều quán nghĩ ra một món nước chấm để ăn với bánh ướt là mắm làm từ ruột cá ngừ, cá ồ.
22. Vịt Cầu Dừa Nha Trang
“Chìm đắm” trong thế giới hải sản tươi ngon, ngọt lịm của biển Nha Trang, các bạn đừng quên “lần mò” thưởng thức vịt Cầu Dừa trứ danh mà theo ghi chép cổ từ xưa, món này chỉ có xếp sau yến sào.
Vịt Cầu Dừa là loại vịt được nuôi thả ngoài những cánh đồng phì nhiêu, giàu tôm, cua, cá nên rất béo. Nói đến vịt, nổi tiếng nhất Nha Trang có khu phố vịt nằm trên quốc lộ 1A, cách trung tâm tầm 3-4km về phía Nam với nhiều nhà hàng phục vụ san sát nhau cùng các món vịt và tiết canh vịt.
Tiết canh vịt là món được nhiều người sành ăn nghĩ tới và khá phổ biến. Tiết canh vịt được đánh trong đĩa lớn, màu đỏ tươi, đông lại như thạch, ăn vào sẽ thấy ngay vị ngọt mát của tiết; tim, gan, mề giòn sật lẫn với vị bùi béo của đậu phộng rang, đặc biệt là mùi thơm đặc trưng của các loại húng quế, ngò gai, rau răm. Ăn tiết canh vịt kèm với miếng bánh tráng mè nướng quả thực là ngon hết ý.
Ngoài món tiết canh vịt ngọt mát thì vịt luộc và nướng cũng là những món ăn rất được ưa chuộng. Dù chế biến theo cách nào thì thịt vịt ở đây cũng rất mềm, nạc và tuyệt đối không có mùi hôi đặc trưng.
23. Yến sào Khánh Hòa
Yến sào Khánh Hòa, hay tổ chim yến, là tên một loại thực phẩm – dược phẩm cực nổi tiếng được làm bằng tổ chim yến, đây là một món cao lương mỹ vị được xếp vào hàng Bát Trân (tám món ăn cao lương mĩ vị). Xưa kia, tổ yến là vật quý được dùng để dâng vua và chỉ các gia đình vương giả mới đủ tiền mua.
Tổ yến được tìm thấy trên vách đá, hang động nơi chim yến sinh sống. Khánh Hòa là nơi chim yến làm tổ nhiều nhất ở Việt Nam. Tổ yến hình nôi tròn hoặc bầu dục, cong bán nguyệt, màu trắng xám, có khi màu hồng hoặc đỏ, to bằng nửa quả trứng vịt, nặng khoảng 10g, có những tổ to, dày thì nặng gấp đôi.
Yến sào có tác dụng làm sạch và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể con người, đây là vị thuốc bổ rất tốt cho người ốm yếu, cao tuổi, sản phụ băng huyết, trẻ em suy dinh dưỡng, tái tạo tế bào giúp da tươi mát.
Món yến sào có thể ăn bất cứ lúc nào trong ngày, có thể ăn nóng, nguội, lạnh mà không có tác dụng xấu. Nếu có điều kiện, các bạn nên ăn thường xuyên, ít nhất 3 lần trong mỗi tuần. Theo lời khuyên của các nhà nghiên cứu, tốt nhất nên ăn yến sào vào lúc dạ dày trống rỗng, buổi tối trước khi đi ngủ hoặc dùng 1 chén súp yến sào lúc sáng sớm (khoảng 30 phút trước khi ăn điểm tâm).
Theo Loca