Thông Tin
Nhập Nhèm Thị Trường Cá Khô Nỗi Lo Của Người Tiêu Dùng
Cá khô là loại thực phẩm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, sau chúng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại khôn lường.
Nhập nhèm thị trường cá khô, nỗi lo của người tiêu dùng
Cá khô là loại thực phẩm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, bởi màu sắc bắt mắt và khẩu vị tẩm ướp hợp khẩu vị. Tuy nhiên, chính những lọai cá khô này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Cá khô có thể nói là thực phẩm khá phổ biến, nó được đánh giá là nhiều như "rau ngoài chợ", chỉ cần dạo quanh bất cứ khu chợ nào ở thị trường Hà Nội, người tiêu dùng có thể tìm mua các loại cá khô đa dạng từ mẫu mã cho đến chủng loại.
Cá khô thường được chế biến từ các loại cá nước mặn như cá lục, cá mắm, cá chỉ vàng.... Theo khảo sát, so với những loại thực phẩm tươi sống, giá của cá khô không được đánh giá là không rẻ. Cụ thể, cá đùi gà trên thị trường đang được bán với giá giá 160.000-180.000 đồng/kg, cá nục giá 100.000-120.000 đồng/kg... Đặc biệt là mỗi cửa hàng, mỗi khu chợ lại bán với giá rất "khác nhau".
Chị Hằng, chủ một sạp hàng bán đồ khô ở Tô Ngọc Vân (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: "Cá khô là mặt hàng khá được ưa chuộng, nhất là vào mùa thu đông khi thời tiết đã bắt đầu chuyển lạnh. Cá khô vừa đưa cơm, lại dễ dàng chế biến. Sau khi mua về chỉ cần rửa sạch, ướp gừng cho thơm, sau đó rán lên và dùng với cơm nóng ăn thì hết ý".
Mặc dù bày bán loại thực phẩm này khá lâu, cộng thêm rất "đắt khách" tuy nhiên khi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của những loại cá khô đang được bày bán, chị Hằng lại tỏ ra rất "mù mịt". Chị cho biết cũng lấy hàng từ một thương lái khác và gia đình vẫn ăn mà không thấy làm sao cả.
Dạo quanh khu chợ ở Cầu Giấy, nhiều sạp bán cá khô qua quan sát của PV không có bóng dáng một con ruồi, trong khi những địa điểm bán thịt cá, cách đó chưa đầy 50m ruồi nhặng bu "kín". Điều đặc biệt là những loại cá này dù để cả năm vẫn chưa thấy dấu hiệu hư hỏng.
Khi mang thắc mắc này hỏi người bán, chị chủ cửa hàng tươi cười đáp lại: " Do nó khô nên ruồi chê đấy, hơn nữa cá khô thường đã được ướp muối mặn, đảm bảo vệ sinh an toàn. Cậu cứ yên tâm mua về dùng, không ngon tôi bù tiền gấp đôi".
Tuy nhiên, theo anh Trần Văn Đăng, một ngư dân chuyên đánh bắt cá để làm cá khô tại Ninh Thuận, cho biết, tất cả những loại cá dùng để chế biến thành cá khô, ngay sau khi bắt ở biển về sẽ được sơ chế sạch, sau đó tẩm muối và phơi trong nắng to từ 4-5 ngày trước khi đem bán. Thời gian bảo quản của loại cá này cũng chỉ từ 2-3 tháng trong ngăn mát của tủ lạnh, nếu muốn để lâu hơn thì phải bọc túi bóng và giấy báo kín rồi bảo quản trong ngăn đá của tủ lạnh. Còn nếu để ở nhiệt độ thường, có độ ẩm cao thì chỉ từ 2-3 tuần, cá sẽ bị ẩm, mốc, hỏng. Không có chuyện cá khô để ở nhiệt độ thường cả năm không hỏng được, trừ khi được tẩm ướp thêm các loại hóa chất.
Trước đó, Theo Pháp luật TP.HCM tại hội nghị “Đánh giá thực hiện chính sách pháp luật về ATVSTP giai đoạn 2011-2016 khu vực phía Nam” do Quốc hội tổ chức.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng mặc dù là chất cấm nhưng trichlorfon còn được dùng làm thuốc diệt côn trùng như gián, ruồi, rệp… “Do vậy, khi cho trichlorfon vào cá khô thì chẳng con ruồi nào dám bén mảng là đương nhiên rồi. Bằng mắt thường không thể xác định cá khô có hoặc không có trichlorfon”, ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, độc tính của trichlorfon rất cao. Khi hấp thụ vào cơ thể gây ra hiện tượng líu lưỡi, suy nhược, mất phản xạ… Nặng hơn có thể khiến nhịp tim bất thường, bất tỉnh, co giật, rối loạn tâm thần, thậm chí dẫn đến tử vong.
“Sorbitol thường được sử dụng trong chế biến cá khô để lớp da bên ngoài bắt mắt hơn, nhìn tươi ngon và mềm mại như cá vừa chế biến. Ngoài ra, sorbitol cũng được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm nhưng với hàm lượng nhất định. Nếu hóa chất này vượt ngưỡng cho phép, người sử dụng có nguy cơ bị đau dạ dày, chảy máu trực tràng…”, ông Thịnh khuyến cáo.
Đối với chất Cd trong các loại mắm, TS Phan Thế Đồng, Trưởng Dự án An toàn thực phẩm Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM), giải thích Cd (Cadmium) là kim loại nặng, rất độc. “Sở dĩ mắm chứa Cd là do các loại cá được nuôi hoặc sống trong môi trường nước có chứa Cd, mà khi Cd đã thấm vào cá thì không đào thải ra ngoài. Ngoài ra, muối dùng làm mắm được sản xuất lại vùng nước biển có chứa Cd nên mắm có Cd cũng là điều dễ hiểu. Con người ăn mắm có chứa Cd thì cũng sẽ hấp thụ chất này luôn. Cd vào cơ thể có thể gây buồn nôn, đau bụng, tổn thương gan và thận”, ông Đồng lưu ý.
Theo Ngọc Hà Sohuutritue