Thông Tin
Nghệ An Có Cơ Hội Lớn Khi Được Sở Hữu Trí Tuệ Sản Phẩm Đặc Sản
Nghệ An là địa phương có một sản phẩm nông nghiệp đặc sản được sở hữu trí tuệ, dán tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng tin tưởng, sản lượng bán ra nhiều hơn.
Cơ hội tiếp cận sâu rộng thị trường
Sản xuất tôm nõn là nghề truyền thống đã có từ hàng chục năm nay, gắn với cuộc sống đi biển của ngư dân 2 xã Diễn Bích và Diễn Ngọc huyện Diễn Châu. Vài năm trước, sản lượng tiêu thụ mới ở mức 20 tấn/năm.
Từ xác định xây dựng cho được thương hiệu đặc sản tôm nõn của huyện, năm 2016, Hội sản xuất và kinh doanh tôm nõn Diễn Châu được thành lập với 30 thành viên. Các cơ sở sau khi sản xuất sẽ có người đứng ra thu mua đóng gói và tiêu thụ.
Bà con làng nghề Diễn Ngọc bóc sơ chế tôm nõn. Ảnh: Mai Giang
Qua 1 năm thành lập Hội, sản lượng tôm nõn được xuất ra thị trường đã tăng lên 30 tấn/năm, doanh thu 230 tỷ đồng. Tuy nhiên việc chưa có nhãn mác, bao bì phù hợp nên sản phẩm vẫn khó cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, việc xây dựng cho được nhãn hiệu tập thể tôm nõn Diễn Châu luôn được 99 hộ làm nghề cùng các cấp chính quyền nỗ lực đầu tư, hoàn thiện.
Đến tháng 10/2017,các hộ sản xuất kinh doanh tôm nõn Diễn Châu khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu tập thể “Tôm nõn Diễn Châu”, kèm theo quy chế hoạt động cụ thể.
Cùng với tôm nõn, nước mắm Vạn Phần ở Diễn Châu cũng được cấp văn bằng sở hữu trí tuệ, tương Sa Nam (Nam Đàn) là sản phẩm vừa được các cơ quan chức năng công nhận hồ sơ đủ điều kiện được dán tem truy xuất nguồn gốc và đang được xem xét cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ...
Cam quả bán chạy ở Hội chợ cam Vinh - Nghệ An 2017
Ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ cho biết: Năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 109 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong đó một số sản phẩm nông nghiệp sau khi được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, danh tiếng của sản phẩm đã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và tin tưởng tiêu dùng, do vậy sản lượng, doanh thu được tăng lên. Đó là cá thu nướng Cửa Lò, gà Thanh Chương, tôm nõn Diễn Châu, mực khô Quỳnh Lưu, cam Vinh, nước mắm Vạn Phần.
Nhiều nông sản cần được bảo hộ sở hữu trí tuệ
Với một tỉnh có nhiều nông, lâm đặc sản là sản phẩm chủ lực như Nghệ An, thì các hình thức đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể nhằm đảm bảo quyền sử dụng của cả cộng đồng các nhà sản xuất, kinh doanh là rất quan trọng.
Để được trao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ này, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện nhất định, sản phẩm phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chí chất lượng cụ thể và phải tuân theo một hệ thống kiểm soát chặt chẽ. Đây là một trong những căn cứ giúp đảm bảo uy tín, danh tiếng và xuất xứ của sản phẩm, đồng thời cũng là lý do mà người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cho sản phẩm cao hơn các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường.
Tuy nhiên, phát triển quyền sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị nông sản không thể một sớm một chiều, có ngay kết quả, mà đòi hỏi phải kiên trì cả một quá trình: cần có sự đồng thuận, tham gia nhiệt tình của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất và doanh nghiệp, từ đó tạo được chuỗi liên kết bền vững để các vùng sản xuất nông sản của tỉnh phát triển ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay Nghệ An đã có 883 đối tượng là mặt hàng công nghiệp, nông nghiệp... được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ngoài ra có 5 sản phẩm nông nghiệp được dán tem truy xuất nguồn gốc: Cam Vinh, nước mắm Vạn phần (Diễn Châu), tương Sa Nam (Nam Đàn), ổi (Nghĩa Đàn) và gà (Thanh Chương). Các sản phẩm sau khi được cấp văn bằng sở hữu trí tuệ và dán tem truy xuất nguồn gốc, danh tiếng của các sản phẩm đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và tin tưởng sử dụng.
Theo Xuân Hoàng - Mai Giang Báo Nghệ An