Thông Tin
Dân Miền Tây Kiếm Tiền Triệu Nhờ... Đám Lá Tối Trời
Dừa nước là loài cây mọc hoang dã có hầu khắp các khu vực ven sông ngòi, kênh rạch ở miền Tây. Cây này đang là nguồn sinh kế trời cho của nhiều người.
Ngoài những trái dừa nước được sử dụng làm đồ uống thì lá dừa nước hiện nay cũng được sử dụng rất nhiều trong việc xây dựng. Người ở các đô thị đặc biệt ưa thích sử dụng lá dừa nước trong việc dựng chòi, quán, nhà mát để tạo ra "không khí miền quê".
Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều người dân ở miền Tây rủ nhau đi chặt lá dừa nước phơi khô, bán cho các vựa lá ở khu vực TPHCM hay Thủ Dầu Một. Với giá bán khoảng 3-4 triệu đồng một thiên (gồm 1.000 lá), nhiều gia đình thu được hàng chục triệu đồng nhờ đi chặt lá dừa nước.
Là loài cây sống ở những khu vực nước lợ, hoặc có tính phèn mặn nên tại khu vực cửa sông, ven biển hay những vùng đất ngập nước nhiễm phèn là “thế giới” của loài dừa nước. Vì thế, dọc các sông cửa sông Vàm Cỏ, Hàm Luông, Cổ Chiên, Ba Lai… là những cánh rừng dừa nước xanh ngút ngàn, dài hàng chục cây số. Thậm chí, ngay cả những vùng đất cách cửa biển hàng trăm cây số như kênh rạch vùng Đồng Tháp Mười, người ta vẫn bắt gặp những cánh rừng dừa nước rộng lớn. Tất cả, dù ở đâu thì những cây dừa nước miền Tây cũng đều là sản phẩm của tự nhiên mà con người không mất công gieo trồng, chăm sóc gì cả. Lá dừa nước hiện nay được sử dụng nhiều trong việc xây dựng. Vùng đất ngập nước nhiễm phèn là “thế giới” của dừa nước. Tuy nhiên, khai thác dừa nước lại không hề dễ dàng bởi chúng nằm ven sông. Hầu hết nông dân chặt lá dừa phải đi ghe thuyền và lội vào những khu vực hoang vu có dừa. Ngoài ra, nhiều cây dừa nước chìm một phần thân trong nước khiến việc chặt chúng rất khó khăn. Thời gian gần đây do dừa nước bị khai thác nhiều, những người tìm đến sau phải lội sâu vào rừng dừa mới có lá đạt tiêu chuẩn. Khai thác dừa nước không dễ bởi chúng nằm ven sông
Một hộ gia đình đang chặt lá dừa nước ở ven sông Vàm Cỏ ngay dưới chân cầu Mỹ Lợi (xã Bình Đông, thị xã Gò Công, Tiền Giang)
Sau khi chặt về, lá dừa nước phải được phơi khô và kẹp thành từng chum (10 lá) trước khi đưa đi bán cho các vựa thu mua. Ngoài việc sơ chế để sử dụng, phơi khô cũng giúp cho việc vận chuyển được dễ dàng hơn. Và, cũng như nhiều loại nông sản khác ở miền Tây, dừa nước hầu hết được nông dân vận chuyển bằng ghe, thuyền.
Lá dừa nước phải được phơi khô và kẹp thành từng chum (10 lá) trước khi đưa đi bán cho các vựa
Ở khu vực thành phố, lá dừa nước được sử dụng khá phổ biến để lợp các chòi, quán ăn, quán cà phê...
Những ghe dừa nước đậu san sát nhau ở ven rạch Bảo Định đoạn qua thành phố Tân An (tỉnh Long An). Tại khu vực này có khá nhiều các vựa thu mua lá dừa nước của nông dân bởi khu vực này đổ xuống phía hạ lưu sông Vàm Cỏ, dừa nước khá nhiều. Mỗi chiếc ghe có thể chở được từ 20-25 thiên lá dừa nước.
Sau đó, các vựa này tiếp tục bán lại lá dừa cho những người dân có nhu cầu sử dụng. Hiện nay ở khu vực thành phố, lá dừa được sử dụng khá phổ biến để lợp các chòi, quán ăn, quán cà phê. Với đặc điểm là mát, bền và rẻ hơn các vật liệu xây dựng công nghiệp, lá dừa nước rất được ưa chuộng.
Theo Đoàn Xá (Thế Giới Trẻ)