- Xin vui lòng bấm nút đặt hàng
- Sản phẩm đặc sản chỉ bán online và giao hàng tậng nơi, không bán trực tiếp
Đặc sản Vĩnh Phúc được Sản Phẩm Đặc Sản dày công tổng hợp sẽ ít nhiều giúp bạn cảm nhận hết cái hồn trong từng đặc sản của Vĩnh Phúc.
Ai có đôi lần ghé Lập Thạch – Vĩnh Phúc nếu được thưởng thức món cá thính (cá muối chua) thì chắc sẽ không bao giờ quên được hương vị của nó. Thứ cá muối chua không cần nguyên liệu đắt tiền mà lại có thể làm người ta phải tấm tắc khen ngon.
Những con cá sông Lô, sông Đáy mùa nước lên nương theo dòng vào đồng ruộng. Có sẵn nguồn thức ăn nên cá cứ được đà mà to béo, chắc khỏe. Đó cũng là những con cá đem làm thính ngon nhất. Cá phải để nguyên vảy, rẽ những đường rãnh cho quá trình muối thấm gia vị. Cứ xếp đều 1 lớp cá rồi đến 1 lớp muối đến khi phủ trắng đậy kín hũ tầm mươi ngày. Vớt cá ra ép ráo nước đến se mặt là có thể rắc thính phủ đầy.
Rồi qua nhiều công đoạn tỉ mỉ từ phơi, xếp kín vào hũ và chờ đến 6 tháng mới có miếng cá thính Lập Thạch ngon đúng vị. Bí quyết cá ngon là úp ngược cả hũ cá thính lên 1 chén nước đầy.
Món này có thể nướng trên than hồng hoặc chiên trong dầu đều hấp dẫn. Những ngày mưa ăn ngay món cá thính thơm ngọt nóng giòn cùng chén cơm nóng thì chắc không gì ngon hơn.
Chè kho Tứ Yên
Cũng mang tên gọi chè nhưng chè kho Tứ Yên bề mặt ráo hoảnh và không hề có nước.
Chè kho được nấu chỉ từ một nguyên liệu đậu xanh. Nhưng phải là đậu xanh làng vòng, hạt nhỏ và đã được cán vỡ. Đậu được mang đi đãi vỏ rồi đồ lên đến khi thật mịn không còn hạt lợn cợn là được. Để tăng hương vị cho chè kho Tứ Yên người ta pha nước, đường và gừng rồi rưới nhè nhẹ vào chè. Để chè không khét người nấu phải nhanh tay và đun nhỏ lửa.
Khi lớp đậu xanh ráo mặt và mịn như nhung thêm một ít hoa bưởi. Miếng chè cắt ra thêm đẹp mắt vì được rắc mè trắng trên mặt. Nét duyên ngầm của chè kho Tứ Xuyên là ẩn trong lớp áo vàng rực kia; là thứ vị ngọt thanh tao, hương thơm của gừng phảng phất cùng cái dịu mát của đậu xanh. Tất cả khiến người ta không muốn dùng lại khi ăn xong miếng đầu tiên.
Bánh nẳng Lập Thạch
Lập Thạch không chỉ có nguồn hải sản phong phú mà người dân còn khéo léo trong việc tạo ra các món bánh độc đáo. Bởi vậy cứ về đây người ta lại nghe văng vẳng câu hát “Bánh Nẳng chợ Tràng, Bánh gạo rang Tiên Lữ“. Chỉ nghe thôi cũng đủ biết rằng về vùng Chợ Tràng – Lập Thạch mà không ăn bánh nẳng thì chưa thể nói đã đến đây.
Bánh nẳng dùng gạo nếp cái hoa vàng ngâm trong nước nẳng. Nước nẳng là sự pha trộn giữa các loại cây ưa nắng như cành xoan, cành bưởi, lá si, tầm gửi…đốt lấy tro hòa tan với nước. Gạn lấy phần nước trong đem ngâm gạo một đêm. Bánh nẳng Lập Thạch được gói trong lá chít.
Bánh nẳng khi chín có màu cánh gián, dẻo bùi và thường ăn kèm với mật mía, mật ong và phải nhấm nháp từng miếng nhỏ để thấy hương vị cây cỏ cùng hương đồi núi đang lan tỏa khắp ngõ ngách cơ thể.
Bánh gạo Tiên Lữ
Bánh gạo là một trong hai món ngon nổi tiếng của Lập Thạch. Thứ đặc sản tuy dân dã này nhưng nhiều khi lại làm lòng người Vĩnh Phúc xa nhà nhớ quê da diết.
Để có được một chiếc bánh gạo ngon người ta phải trải qua rất nhiều công đoạn công phu. Cũng ngâm trong nước nẳng, nhuộm màu bằng trầu không và quả dành dành. Rồi giã nếp, chiên, kết dính….chỉ nghe nói thôi đã thấy nhiêu khê lắm rồi. Mà có lẽ vì thế nên bánh gạo ở đây ngon hơn hẳn vùng khác.
Bánh gạo Tiên Lữ ngọt dịu, không gắt, giòn tan. Điều hấp dẫn của bánh gạo Lập Thành còn là sự chân chất mộc mạc của người thợ làm bánh. Hay một chuyến trải nghiệm về Vĩnh Phúc xem người ta tỉ mỉ làm bánh gạo thì cũng vui lắm rồi.
Dứa Tam Dương
Về Vĩnh Phúc không chỉ là dịp người ta thưởng ngoạn cảnh đẹp bằng mắt. Mà còn choáng ngợp bởi những ngọn đồi dứa ở Tam Dương. Điều này không lạ bởi Tam Dương là nơi trồng dứa nhiều nhất tỉnh. Ở đây có rất nhiều loại từ dứa mật, dứa mỡ gà hay dứa hướng Đạo. Mỗi loại lại có một hương vị khác nhau rất đặc trưng.
Vào mùa dứa chín những quả dứa ửng đỏ nằm lấp ló trong từng lớp lá nhọn hoắc trông thật đẹp mắt. Gặp những chủ vườn thân thiện du khách có thể thưởng thức dứa Tam Dương ngay tại vườn. Dùng trực tiếp thường có hai cách:
Gọt sạch vỏ cùng mắt để lộ ra phần thịt vàng mọng nước là được
Đập và xoay tròn quả vào gốc cây đến khi giập và ra nước mật. Dùng dao khoét nhỏ và uống nước dứa.
Dứa có thể chế biến thành nhiều món khác nhau. Nhưng các món đặc sản từ dứa Tam Dương luôn có nét riêng mà không phải nơi nào cũng có được.
Tép dầu Đầm Vạc
“Cỗ chín lợn mười trâu
Cũng không bắng tép dầu Đầm Vạc”
Tép dầu Đầm Vạc là món ăn thân thuộc của người dân Vĩnh Phúc. Và cũng là món đặc sản mà du khách nào cũng muốn thưởng thức khi ghé thăm vùng đất này.
Những con tép dầu đa số là tép thiên nhiên được nuôi lớn nhờ dòng Vĩnh Yên. Tép ở đây được khen là có thịt chắc ngọt xen lẫn cái mặn mòi cùng mùi hăng hăng đặc trưng của vùng. Tép dầu Đầm Vạc khi chế biến thường co lại giống hình bã “giầu” đọc trại ra thành dầu và là tên gọi quen thuộc của chúng đến bây giờ.
Tép dầu ngon nhất là đem nấu canh dưa cải và kho. Những con tép tuy bé nhỏ cộng hưởng với bàn tay khéo léo của đầu bếp đã tạo ra món ăn vô cùng hấp dẫn. Đến cả người khó tính còn phải thốt lên “chao ôi, sao mà ngon như thịt trâu thịt lợn thế nhỉ”.
Rượu dừa tiên tửu Ngọc Hoa
Nhắc đến dừa cùng các sản phẩm từ dừa người ta thường nghĩ về Bến Tre. Nhưng thật bất ngờ khi ở Vĩnh Phúc có một đặc sản rượu dừa ngon không kém.
Muốn đạt được độ ngon thuộc hàng “tiên tửu” thì dừa được chọn phải là dừa già Bến Tre. Nếp cái chọn hạt căng mẩy cùng men theo tỉ lệ gia truyền rồi bơm vào dừa. Tất cả được làm theo phương pháp truyền thống nên về độ “sạch” thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm nhé.
Rượu dừa tiên tửu Ngọc Hoa được ủ và có thể dùng ngay trong quả. Thứ rượu này có vị ngọt dịu, không gây đau đầu nên càng uống càng mê khó cưỡng.
Bánh trùng Vĩnh Tường
Bánh trùng được xem là có họ hàng với bánh trôi, bánh chay vì có cách làm tương tự. Ngày trước bánh trùng chỉ có mặt trong những gia đình giàu có. Thời nay bánh phổ biến nhiều nên chỉ một lần tham quan Vĩnh Tường là đã có thể ăn bánh trùng rồi.
Bánh trùng muốn ngon phải nhồi bột vừa tay để bánh có độ dẻo nhất định mà không khô. Bên trong chiếc bánh trùng Vĩnh Tường không có nhân. Để bánh có màu đỏ nâu bắt mắt người ta luộc bánh bằng mật mía. Thứ mật ngọt thanh này cũng là lớp bảo vệ bánh có để cả tuần cũng không hư.
Tùy vào ý thích mà món bánh trùng Vĩnh Tường được thêm vài lát gừng hay rắc vài hạt mè trắng cho món ăn thêm phần sắc sảo.
Bánh gio Tây Đình
Bánh gio thường xuất hiện trong dịp Tết Nguyên Đán và Tiệc làng của người Tây Đinh. Cách làm ra những chiếc bánh rất đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm ra những chiếc bánh ngon.
Để làm bánh gio người ta phải chọn gạo, ngâm gạo và gói bánh thật khéo. Bánh gio Tây Đình được gói bằng lá chít đã bị luộc phai màu. Muốn có màu đẹp người Tây Đình ngâm bánh cùng nước gio. Theo các cụ lớn tuổi khi gói bánh gio phải kiêng kỵ dầu mỡ nếu không bánh sẽ rời rạc, không ngon.
Bánh gio Tây Đình khi chín có màu trong suốt nâu vàng. Gói ghém trong từng lớp lá là hương vị của núi rừng, của mật mía, của cây cỏ quanh nhà. Mùi vị của bánh gio Tây Đinh làm thổn thức biết bao nhiêu trái tim du khách.
Bánh ngõa Lũng Thoại
Bánh ngõa là món bánh có từ lâu đời ở Lũng Thoại – Vĩnh Phúc. Loại bánh làm từ bột gạo, đậu xanh và mật mía xem chừng rất đơn giản nhưng hương vị rất khó quên. Thầm lặng từng ngày, bánh ngõa Lũng Thoại đã góp tên mình vào danh sách đặc sản của Vĩnh Phúc.
Dù làm từ những nguyên liệu đơn giản nhưng nhất định phải là loại tốt nhất. Đậu xanh vỡ đôi được nấu thành chè kho để làm nhân. Bột gạo nếp nhào mịn rồi nhồi nhân nặn hình tròn mỏng. Thả vào nước sôi bánh chín nổi lên là được. Bề mặt bánh ngõa Lũng Thoại được rắc một lớp thính từ đậu xanh điểm vài chấm vàng thật duyên dáng.
Bánh ngõa khi ăn có độ dẻo của gạo nếp, vị ngọt của mật mía cùng hương thơm bùi của đậu xanh. Tất cả hòa quyện lại tròn vòm miệng chinh phục được mọi vị giác của thực khách phương xa.
Thịt bò tái kiến đốt
Đến Tam Đảo mờ sương người ta không chỉ choáng ngợp bởi vẻ đẹp như tiên cảnh, những khu nghỉ dưỡng sang trọng mà còn cả văn hóa ẩm thực. Thịt bò tái kiến đốt là món ăn ngon nổi tiếng và chỉ có thưởng thức tại Tam Đảo mới đúng hương vị nguyên bản của nó.
Những thớ thịt bò đỏ au, nóng hổi được treo cạnh tổ kiến trên cây. Mùi thơm và hơi nóng thu hút lũ kiến háu ăn vây kín thịt. Dịch từ kiến tiết ra ngấm vào thịt bò tạo ra mùi vị rất lạ miệng. Mà tùy loại kiến sẽ cho ra một sản phẩm thịt bò tái kiến đốt khác nhau. Kiến vống đỏ cho vị chua, kiến vống đen vị hắc, một số loại lại cho vị ngọt cay.
Thịt bò sau khi bị kiến đốt được rửa nước muối loãng rồi nướng trên than hồng. Phải trở nhanh tay cho thịt vừa chín bề mặt nhưng bên trong vẫn còn giữ lại màu đỏ. Thịt bò tái kiến đốt dùng kèm với rau ngổ và chuối chát cùng tương từ ngô và đậu. Còn gì tuyệt vời hơn khi một chuyến du lịch ở vùng Tam Đảo lành lạnh và được trải nghiệm một món ăn hấp dẫn như thế nhỉ?
Su su Tam Đảo
Su su Tam Đảo được trồng và sàn lọc nghiêm ngặt thế nên nói về su su ngon và sạch thì hẳn không ở đâu sánh bằng Tam Đảo. Được thiên nhiên ưu đãi về thời tiết và vị trí địa lý nên su su Tam Đảo xanh, ngọt, mềm và giòn hơn nơi khác.
Su su Tam Đảo được hái vào lúc sương vừa tan lúc đó nhựa cây cũng vừa khô. Những ngọn su su non tơ dài ngoằng được ngắt cho kịp buổi chợ đông hay về đãi khách. Có thể chế biến ngọn su su thành rất nhiều món khác nhau: nộm, chiên giòn, xào hay luộc đều kích thích vị giác.
Một bó su su về làm quà như sự chân thành trao tặng nhau và sự ngọt ngào người Tam Đảo dành tặng khách nơi xa.
Bánh quấn Tam Đảo
Thị trấn Tam Đảo đẹp bảng lảng trong làn sương mù quấn quýt quanh năm. Người ta mê say Tam Đảo không chỉ vì cảnh đẹp hữu tình mà còn vì nét ẩm thực đa dạng nơi đây. Bánh quấn Tam Đảo hay bánh cuốn là món ăn rất bình dân nhưng cái thi vị của riêng nó không dễ gì tìm được ở vùng khác.
Bánh quấn Tam Đảo làm từ bột gạo tráng mỏng rồi cuộn tròn lại quanh phần nhân gồm thịt nạc, mộc nhĩ. Đĩa bánh cuốn có thể ăn kèm nước mắm chua ngọt, thịt luộc, trứng chiên…. Ngoài ra món bánh quấn Tam Đảo còn được ăn kèm với lợn đồi nướng thì được ví ngon không gì sánh bằng.
Lợn đồi nướng xiên
Lại nói thêm cho dài câu chuyện về món lợn đồi nướng xiên.
Dùng loại lợn rừng (heo rừng) chính gốc là nguyên liệu của món ăn này. Những con lợn rừng được chăn thả ngay trong rừng chỉ ăn rau củ, rễ cây trong rừng nên thịt ngon phải biết. Khéo léo chọn chỗ thịt ngon ướp các thứ gia vị núi rừng rồi xiên que đem nướng.
Trên khói than xì xèo mùi thịt nướng tỏa ra thơm phức làm người bên cạnh không khỏi thòm thèm. Khi thịt khô mặt và vàng là đã có thể thưởng thức. Lợn đồi nướng xiên thưởng thức cầu kỳ cùng bánh quấn Tam Đảo và nước chấm. Vị ngon của bánh cuốn hòa với vị ngọt của bánh cuốn cùng sự đậm đà của nước chấm khiên người thưởng thức có một niềm thích thú đối với món ăn đặc biệt này.
Giò lụa Phúc Đức
Giò lụa Phúc Đức xưa nay vẫn là thứ đặc sản được lòng du khách gần xa. Giò lụa ngon không chỉ từ nguyên liệu mà còn từ cái tâm lành nghề của người làm ra chúng.
Bọc trong hai lớp lá chuối xanh là phần giò có màu hồng phơn phớt. Để có được một khối giò đẹp mắt và không pha tạp là một quá trình kỳ công của người Phúc Đức. Thịt được chọn là phần thịt mông của lợn vừa mới mổ. Phải mất nhiều thời gian để giã thịt nhừ, nhuyễn mới đem gói và luộc chín.
Giò lụa Phúc Đức bề mặt mịn, vị ngọt đậm, dai vừa phải. Có thể dùng làm món ăn cơm hoặc các dịp đám tiệc mang ra một chiếc giò lụa là cũng đủ “hoành tráng” rồi.
Gạo Long Trì.
Vùng đất Long Trì xưa vẫn có câu “Dứa Hướng Đạo, gạo Long Trì”. Và chính nhờ những điều kiện có sẵn ở Long Trì mà loại gạo này thơm ngon và có mùi vị khác biệt so với các loại gạo khác.
Gạo Long Trì được thương lái ưa chuộng nhờ hạt đều, ít tấm, gạo bóng đẹp và thơm. Khi nấu cho cơm dẻo, rời, vị ngọt và mùi thơm nhẹ rất kích thích vị giác. Người sành ăn còn mách nhau gạo Long Trì mà ăn cùng quả trám trắng chấm tương hoặc vừng thì rất hao cơm.
Dân hàng xáo khi nhớ về gạo Long Trì vẫn nhận xét đây là thứ gạo “chưa đến môi đã trôi đến họng”. Gạo Long Trì là sự kết tinh của giống tài nguyên ngon chất ngất, thiên nhiên màu mỡ và sự kết hợp từ bàn tay trí tuệ trong lao động cần cù của người Long Trì – Vĩnh Phúc.
Theo vietflavour