- Xin vui lòng bấm nút đặt hàng
- Sản phẩm đặc sản chỉ bán online và giao hàng tậng nơi, không bán trực tiếp
Việt Nam nổi tiếng là "thiên đường" ăn uống trên thế giới. Nếu trả lời hết những câu hỏi về Sản Phẩm Đặc Sản, bạn đích thị là người có tâm hồn ăn uống số 1 Việt Nam.
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về Đặc Sản Bánh Gật Gù thuộc đặc sản của nơi nào nhé !
Bánh gật gù độc đáo ở chỗ trong lúc nghiền bột người dân thường cho thêm cơm nguội để khi tráng bánh có độ phồng, xốp, dẻo mịn mà các loại bánh cùng loại không so sánh được.
Quảng Ninh nổi tiếng với Vịnh Hạ Long, Yên Tử, đảo Cô Tô và ẩm thực ở đây thường được nhắc nhiều đến chả cá, tôm, cua, hải sản. Nhưng có lẽ món bánh với cái tên gật gù sẽ gây ấn tượng mạnh với bạn nếu có dịp ghé thăm Tiên Yên.
Tiên Yên là một huyện lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lâu đời, với những địa danh đẹp, cũng là nơi cư trú dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu với những nét cổ kính từ ngôi nhà, con đường thơ mộng bên dòng sông uốn lượn, được ví như phố cổ Hội An (Quảng Nam) xứ Bắc Kỳ. Ở nơi đây còn tạo ra nét đẹp từ ẩm thực, đơn giản nhưng gần gũi và đọng lại bản sắc ẩm thực để khám phá và thưởng lãm cho vãn khách.
Bánh gật gù được làm từ bột gạo có vẻ bề ngoài giống bánh cuốn, bánh phở. Công đoạn tạo ra mẻ bánh khá cầu kỳ: Gạo được ngâm từ tối hôm trước, đến sáng hôm sau vớt ráo mới nghiền thành bột nước. Khá lạ ở chỗ trong lúc nghiền bột người dân thường cho thêm cơm nguội để khi tráng bánh có độ phồng, xốp, dẻo mịn mà các loại bánh cùng loại không so sánh được.
Ngày nay có nhiều nơi sử dụng máy nghiền bột gạo để bớt công đoạn xay cối đá bằng tay, nên bột bánh thiếu vị đậm đà vốn có của bột gạo. Để ăn miếng bánh ngon đúng vị cũng cần sự mày mò và khám phá.
Người xưa truyền lại rằng, trước đây người dân Tiên Yên thường ăn sáng bằng bánh phở, nhưng không thích có nhân, mà thích vị đậm đà từ gạo xứ Tiên Yên, miếng bánh cuộn tròn, dẻo quẹo, gật lên gật xuống khi cầm tay quẹt một chút nước mắm chấm, mọi người tấm tắc khen ngon, ấy thế là bánh gật gù có tên từ đó.
Bánh cuộn dài tầm 15 - 20cm, trong trắng, dẻo mịn.
Bánh ngon ở chỗ người tráng bánh, phải đong đủ lượng bột bánh không bị đặc quánh, mà cũng không quá loãng. Đổ bột bánh lên khuôn một lớp dày chứ không đổ mỏng như bánh cuốn, không quá dày như bánh đa, tráng đều bánh thành hình tròn, đậy nắp đợi bánh chín.
Đun lửa phải đều tay, không quá nóng bánh sẽ không chín đều, và dễ bị rách miếng bánh, đợi sau khi bánh chín nở phồng lên, dùng que nứa xiên dưới miếng bánh khéo léo đưa bánh lên cao, tiếp tục cho thêm mẻ bánh khác vào. Người làm bánh cuộn đều miếng bánh dẻo quẹo trên miếng lá chuối không bị dính và nhìn ngon mắt hơn.
Ngoài ra người dân ăn bánh gật gù với canh bún, sự giao thoa hương vị giữa bánh và nước. Tạo nên cảm nhận miếng bánh đa dạng hơn. Ở Tiên Yên, người ta thường mua theo cân, thông thường bánh đặt từ 2kg đến 5kg, đây là điểm thú vị, nếu ai nghe lần đầu cũng giật mình: Ăn bánh theo cân, sao ăn nhiều thế, chuyện không có gì lạ, nếu bạn ghé qua Tiên Yên bạn sẽ còn lạ lẫm hơn.
Đi qua con phố Hòa Bình của thị trấn Tiên Yên, bạn sẽ khó tìm ra những biển quảng cáo về món bánh gật gù này, nhưng đây lại là nơi làm ra những chiếc bánh ngon nhất, nức tiếng vùng đất mỏ. Chỉ có người trong vùng, quen làng quen lối mới biết chỗ làm ra bánh ngon.
Miếng bánh giản dị từ trong tâm thức của cuộc sống sinh hoạt vùng quê miền biên, khi người ăn phải thốt lên rằng: bánh gật gù chẳng những ngon, bổ mà còn là thứ thuốc giải cảm. Miếng bánh nóng hổi ăn ngay khi cô làm bánh tráng ra, chấm thêm vị cay của ớt, quyện miếng thịt, ăn vào thấy râm ran, xuýt xoa rất thích hợp cho những ngày mùa đông.
Bánh thường phải đặt, do tính chất bột gạo được ngâm từ tối hôm trước, nếu bạn muốn mua ăn thỏa thích thì phải gọi điện để đặt trước, hoặc may mắn, cô chủ làm bánh vui vẻ nhường bạn một ít bánh ăn cho vui. Về với Quảng Ninh, ngoài bánh gật gù Tiên Yên, bạn đừng quên thưởng thức những đặc sản cũng ngon không kém phần như chả cá Hạ Long, sá sùng Quan Lạn, rượu mơ Yên Tử, lợn Móng Cái...
Theo Congluan