MENU
WEB SEO MARKETING

10 đặc sản trái cây có giá trị kinh tế cao của Việt Nam

4.96 (99.15%) 17258 votes

Việt Nam nổi tiếng với rất nhiều loại trái cây thơm ngon trong đó có rất nhiều loại trái cây mang lại nguồn lợi kinh tế lớn.

Trái cây Việt Nam không chỉ phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân trên mọi miền đất nước mà còn là mặt hàng mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Hãy cùng Vietkings khám phá 10 loại trái cây Việt Nam thơm ngon, đem lại nguồn lợi lớn cho nền kinh tế:

1. Xoài cát Hòa Lộc (Tỉnh Tiền Giang)

Xoài cát Hòa Lộc là loại quả đặc sản nổi tiếng của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Quả xoài có trọng lượng trung bình từ 350-450 g, hình dạng thuôn dài, khi chín vỏ có màu vàng nhạt, thịt quả màu vàng tươi, cấu trúc thịt chắc, mịn và ít xơ, vị ngon và thơm.


Xoài được trồng đầu tiên tại xã Hòa Lộc, tỉnh Tiền Giang. Đây được coi là vùng chuyên canh cây ăn trái lớn nhất của huyện Cái Bè.

Thương hiệu xoài cát Hòa Lộc hiện nay không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn đang vươn ra thế giới, xuất khẩu sang một số thị trường khó tính nhất. Loại đặc sản trái cây Nam bộ này đã thu hút một lượng lớn các tour du lịch nước ngoài từ năm 2010 đến miệt vườn.

2. Nhãn Xuồng cơm vàng (Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)

Giống nhãn xuồng cơm vàng là giống có nguồn gốc ở Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được trồng bằng hạt, cùi dày, màu hanh vàng, ráo nước, dòn, rất ngọt, được thị trường ưa chuộng. Đặc điểm dễ nhận diện là quả có dạng hình xuồng. Quả chưa chín gần cuống có màu đỏ. Khi chín vỏ nhãn có màu vàng da bò. Xuồng cơm vàng thích hợp trên vùng đất cát; nếu trồng trên đất thịt hoặc sét nhẹ nên ghép trên gốc ghép là giống tiêu da bò.


Ngày nay nhãn xuồng cơm vàng đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.

3. Sầu Riêng Ri6 (Tỉnh Vĩnh Long)

Từ những năm cuối của thập niên 1990 ở ấp Phước Định 1, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, Vĩnh Long xuất hiện một giống sầu riêng mới: cơm vàng, hạt lép, vị ngọt, mùi thơm, cơm khô ráo, cầm không dính tay mà người dân nơi đây quen gọi là sầu riêng Ri 6, được đặt theo tên của vị “cha đẻ” cho giống sầu riêng này là Ông Sáu Ri.


Sầu riêng Ri 6 là loại sầu riêng cao cấp Việt Nam cho năng suất cao và chất lượng trái rất thơm ngon được thị trường ưa chuộng và liên tục đoạt giải thưởng tại các kỳ hội thi trái ngon của Viện Cây ăn quả miền Nam và hội chợ nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long.

Giống sầu riêng Ri 6 được đánh giá là giống có chất lượng tốt, rất ít khi bị sượng, được xếp vào nhóm hạt lép dù có 15-20% trái có hạt to. Sầu riêng Ri 6 có cơm dày, vàng, thơm,mùi thơm đặc trưng, ngọt vừa phải và có vị béo, tỉ lệ hạt lép đạt 40%/trái, bình quân mỗi trái nặng từ 3-5kg.

4. Bưởi Da Xanh (Mỹ Thạnh An, Bến Tre)

Cây bưởi da xanh xuất hiện ở tỉnh Bến Tre từ những năm 1990 và liên tục được bà con nhân rộng nhờ quả ngon, được thị trường ưa chuộng. Hiện toàn tỉnh có khoảng 5.500 ha bưởi da xanh tập trung chủ yếu ở các huyện: Chợ Lách, Châu Thành, TP Bến Tre, Mỏ Cày Bắc, Mõ Cày Nam, Giồng Trôm…


Hiện tỉnh Bến Tre đang quy hoạch nâng tổng diện tích bưởi da xanh lên 7.000 ha để phục vụ nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

5. Vú Sữa Lò Rèn (Vĩnh Kim – Tiền Giang)

Chất lượng của trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim từ lâu đã nổi tiếng khắp xứ miền Tây, đã được khẳng định thương hiệu từ Nam chí Bắc, và đang dần vươn xa ra các thị trường nước ngoài. Sở dĩ có tên này là do người Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang muốn ghi nhớ công ơn của ông thợ rèn đã nhân giống vú sữa ngon cho vùng đất này. Vú sữa ở đây quả tròn, trắng, mỏng vỏ, nhỏ hột, dày ruột. Lúc chín, quả phơn phớt vàng hồng, thoảng thơm, mát dịu, ngọt thanh...

Sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, thương hiệu vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim ngày càng được ưa chuộng, nhiều đối tác trong và ngoài nước liên hệ ký hợp đồng xuất khẩu và tiêu thụ. Đến nay, mặt hàng vú sữa Lò Rèn đã có mặt trong nhiều hệ thống siêu thị trong nước, đặc biệt chiếm lĩnh và tiêu thụ nhiều nhất là thị trường phía Bắc và đang vươn ra các thị trường khu vực châu Âu.

6. Thanh Long (Tỉnh Bình Thuận)

Những trái thanh long Bình Thuận có màu đỏ mọng rực rỡ, trái không quá to lại có vị thanh mát đặc trưng, là những điểm giúp phân biệt thanh long Bình Thuận với thanh long từ những vùng miền tây như Tiền Giang, Long An…

Thơm ngon, bổ dưỡng lại dễ trồng, thanh long Bình Thuận hiện đang chiếm đến 90% sản lượng thanh long xuất khẩu, góp phần mang danh tiếng của loại trái cây ‘hoang dã’ nhưng đặc sắc của Việt Nam ra thế giới và dần khẳng định được vị thế vững chắc trên trường quốc tế. Những trái thanh long Bình Thuận có vị ngọt nhẹ không quá gắt, lại có công dụng thanh lọc cơ thể rất hiệu nghiệm vào những ngày hè nắng nóng. Đặc biệt, y học đã chứng minh thanh long còn chữa được một số bệnh phổ biến hiện nay như tiểu đường, cao huyết áp, thống phong…

7. Sa Pô Mặc Bắc (Tỉnh Tiền Giang)

Sa pô chê hay Sapô là đặc sản trái cây của Tiền Giang, đặc biệt giống Sa pô Mặc Bắc là một thương hiệu nổi tiếng ở Tiền Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Sa pô Mặc Bắc được trồng nhiều ở các xã ven sông Tiền như: Tam Bình, Mỹ Long (huyện Cai Lậy); Kim Sơn, Bàn Long, Phú Long, Song Thuận (huyện Châu Thành).

8. Quýt Đường (Tỉnh Trà Vinh)

Quýt đường là một đặc sản trái cây vô cùng nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh. Quýt đường được trồng nhiều tại làng Long Trị và vài nơi khác.

Quýt đường Trà Vinh trái màu vàng ươm, vỏ láng bóng và có vị ngọt thanh quả to và ít có loại quýt nào sánh bằng. Quýt đường có mặt tại Trà Vinh đã hơn 60 năm qua. Tại làng Long Trị có 170 hộ trồng quýt đường với diện tích trên 70ha. Quýt đường ở đây trồng theo cách gieo hạt nên mãi đến 4, 5 năm sau cây mới ra trái. Nhưng bù lại, cây quýt có tuổi thọ từ 30-50 năm. Quýt đường thu hoạch vào giữa tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, nhưng nhờ sự cải tiến của các nhà khoa học kỹ thuật, quýt đường còn cho ra trái vụ phục vụ đúng vào dịp Tết Nguyên Đán

9. Vải Thiều (Tỉnh Bắc Giang)

Mặc dù nguồn gốc của vải thiều không phải là Lục Ngạn. Vải thiều đến với vùng đất sỏi đá này hết sức tình cờ. Xuất xứ từ vùng Châu thổ sông Hồng, vải thiều di thực về Bắc Giang một cách hữu duyên như trời định, sự hòa hợp giữa đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu với loài cây quả độc đáo này đã tạo ra một thứ quả ngọt thơm lành thậm chí còn thơm ngọt, đậm đà hơn ở nơi nó đã được sinh ra.

Vải thiều được dùng như thực phẩm hàng ngày như: Vải tươi, V��i sấy khô, Vải đóng hộp; ngoài ra Vải thiều còn làm nên nhiều vị thuốc tốt cho sức khoẻ con người: Chữa tiêu chảy, viêm miệng, mụn nhọt, đau răng, làm đẹp da… Hiện nay, Vải thiều Lục Ngạn không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn xuất sang thị trường nước ngoài: EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Âu.

10. Nhãn Lồng (Phố Hiến, Hưng Yên)

Nhãn lồng của Phố Hiến là giống nhãn Hương Chi đặc sản nổi tiếng ở Hưng Yên từ thời xa xưa. Phố Hiến nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng và là vùng đất nổi tiếng văn minh, đô hội: “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Ở nơi đây còn có cây nhãn tổ tuổi thọ hàng trăm năm ở trước cổng chùa Hiến.


Ở Phố Hiến có nhiều giống nhãn khác nhau, dựa vào màu sắc và hương vị của quả nhãn mà nhân dân đặt tên các loại nhãn: nhãn nước, nhãn gỗ, nhãn cùi, nhãn đường, nhãn hoa nhài, nhãn trắng, nhãn cùi dừa, nhãn đường phèn, nhãn hành… nhưng tất cả chỉ có loại nhãn đường phèn (còn gọi là nhãn lồng) nay lai tạo thành nhãn Hương Chi là ngon nhất. Xưa kia, người ta thường chọn những quả nhãn lồng to, tròn, ngọt, mọng nước, thơm để tiến vua. Nhãn Hương Chi là loại nhãn có quả to, hạt nhỏ, nhiều nước, các lớp cùi xếp lồng vào nhau, hương vị ngọt đậm đà.

Theo Trung tâm top Việt Nam

Chú ý:
  • Xin vui lòng bấm nút đặt hàng
  • Sản phẩm đặc sản chỉ bán online và giao hàng tậng nơi, không bán trực tiếp